Kế Hoạch Marketing
Kế Hoạch Marketing

Thuật Ngữ: CPA, CPC, CPM, CPI, CPS, CPD Trong Marketing Nghĩa Là Như Thế Nào ?

By Võ Tuấn Hải - Lượt xem : 5419
Ngày đăng: 28 Tháng Ba, 2024 / Ngày cập nhật: 05 Tháng Hai, 2020

Quảng cáo không phải là một ngành khoa học chính xác, về cơ bản, không tồn tại những chuẩn mực cụ thể để đánh giá độ thành công của một chiến dịch quảng cáo. Ở giai đoạn quảng cáo báo giấy là cách tiếp cận khách hàng duy nhất, thậm chí bạn không thể xác định được mỗi đồng chi tiêu cho quảng cáo remarketing Google sẽ sinh ra bao nhiêu đồng doanh số, tất cả chỉ là tương đối. John Wanamaker, một doanh nhân khá nổi tiếng đã tuyên bố: “Một nửa quảng cáo của tôi hoàn toàn lãng phí, vấn đề là tôi không thể biết được một nửa còn lại có hiệu quả không”

Ngày nay, người dùng có thể tiếp xúc với một lượng thông tin khổng lồ mỗi ngày, vì vậy, họ sẽ chọn lọc rất kĩ trước khi nhấp vào bất kì thông tin nào trên internet, người ta thường chỉ chú ý đến một thông điệp nếu nó có giá trị thực sự đối với họ, vì vậy đo lường hiệu suất chiến dịch luôn là mục tiêu của các nhà quảng cáo, bạn sẽ muốn một quảng cáo giảm giá tour trọn gói sẽ hiển thị với những người yêu thích du lịch, đồng thời cũng phải nắm được thông điệp của chương trình có đủ thuyết phục để người xem hành động sau khi xem hay không. Tất nhiên, chúng ta không muốn tạo một quảng cáo trên youtube, sau đó đi ra ngoài hỏi khắp nơi “hey, anh thấy quảng cáo của tôi có thuyết phục không?” Chúng ta cần những công cụ đo lường xuyên suốt thời gian chiến dịch diễn ra

May mắn thay, ở thời đại các quảng cáo kĩ thuật số lên ngôi, chúng ta có thể dựa vào những chỉ số (một cách tương đối) để tối ưu hóa hiệu suất chiến dịch, từ đó xác định thông điệp của bạn có đang tiếp cận đúng đối tượng hay không (Tất nhiên bạn phải xác định mục tiêu cụ thể của chiến dịch, sau đó kết hợp chúng với đúng số liệu). Dưới đây là những chỉ số cơ bản cần quan tâm đối với bất kì chiến dịch quảng cáo hiển thị nào.

Cpa là gì? Các chỉ số đo lường quan trọng trong một chiến dịch quảng cáo

Các chỉ số đo lường trong chiến dịch marketing online cho phép doanh nghiệp phân tích hiệu quả chính xác

CPA là gì? Định nghĩa chỉ số CPA

CPA (Cost per Action – Chi phí cho mỗi hành động), đôi khi được gọi là chi phí cho mỗi chuyển đổi, là chỉ số đo lường số tiền mà doanh nghiệp phải trả để có được một chuyển đổi, tùy vào mục tiêu của chiến dịch

Công thức chính xác để tính toán chỉ số CPA khá phức tạp, nhưng cơ bản nhất, bạn có thể đo lường chi phí cho mỗi hành động bằng cách sử dụng công thức: CPA = Tổng chi tiêu tiếp thị (Theo tháng hoặc năm)/ Tổng số khách hàng nhận được

Ví dụ, bạn post một bài quảng cáo Facebook với mục tiêu khuyến khích khách hàng để lại thông tin liên lạc, một người dùng bất kì nhìn thấy mẫu quảng cáo, nhấp vào và điền vào thông tin liên lạc, đây được tính là một hành động. Ngân sách cho chiến dịch quảng cáo là 200$, sau khi chi tiêu hết số tiền, quảng cáo dừng lại. Theo thống kê, có 20 khách hàng để lại số điện thoại hoặc email sau khi nhìn thấy bài post được quảng cáo

 Vậy chỉ số CPA của chiến dịch = 200$/ 20 = 10($). Có nghĩa là doanh nghiệp phải chi 10$ để có được một địa chỉ email/ số điện thoại của khách hàng tiềm năng (ở riêng kênh Facebook, trên thực tế, một chiến dịch sẽ nhắm vào vài kênh khác nhau, bao gồm mạng xã hội và Google tìm kiếm).

 Cpa là gì? định nghĩa chỉ số CPA 

Cost per Action là chỉ số đo lường hiệu quả đầu cuối cho mục tiêu đề ra của chiến dịch

Hình thức quảng cáo CPA là gì ?

Ngoài việc được sử dụng để đo lường hiệu quả, CPA còn là một một loại quảng cáo khá phổ biến của Google Adwords , theo đó, chi phí sẽ được tính mỗi khi khách hàng thực hiện hành động cụ thể tùy mục tiêu đặt ra.

Ví dụ, bạn muốn bán khóa học nấu ăn, bằng cách chạy quảng cáo bài post chiêu sinh trên Adwords, thông tin này sẽ được hiển thị với những người đang tìm kiếm các khóa học nấu ăn trên Google, nhìn thấy mẫu quảng cáo, người dùng nhấp vào và để lại thông tin đăng kí, ngay sau khi bấm hoàn tất, Google sẽ tính một lượt hành động.

Các bạn là người dùng Zalo và muốn đăng nhập sử dụng Zalo trên thiết bị máy tính nhưng chưa biết phải làm thế nào, hãy tìm hiểu ngay hướng dẫn cách đăng nhập Zalo trên máy tính đơn giản, nhanh chóng được chia sẻ từ Quảng Cáo Siêu Tốc nhé

CPC là gì ? Định nghĩa chỉ số CPC

CPC (Cost per Click – Chi phí cho mỗi lần nhấp chuột) là chỉ số đo lường số tiền mà doanh nghiệp phải trả để có được một lần nhấp vào quảng cáo từ người dùng bất kì, đây là một chỉ số thường được sử dụng để tính toán chi phí lượt truy cập website, hoặc lượt nhấp trên Facebook ads. Nếu bạn muốn đánh giá một website bất kì, hoặc tính phù hợp của một mẫu quảng cáo trên Facebook, hãy bắt đầu với CPC

Chỉ số CPC cơ bản có thể tính được bằng cách áp dụng công thức: CPC = Chi phí cho toàn bộ chiến dịch/ lượt Click

Ví dụ với ngân sách 200$ cho một quảng cáo Facebook, bạn nhận được 100 lượt Click xem nội dung (Bao gồm cả người dùng có bấm like, share và người dùng chỉ bấm vào xem nội dung), chỉ số CPC của chiến dịch = 200$/ 100 = 2$, có nghĩa là bạn phải chi 2$ để có được một người dùng nhấp vào quảng cáo (Chi phí này được đánh giá là tương đối, chỉ số CPC trung bình của một ngành hàng tiêu dùng thường dao động trong khoảng 0.01$-4$)

 Cpc là gì? Chỉ số giúp các doanh nghiệp đưa ra ROI hợp lí 

Dựa vào CPC của những chiến dịch quảng cáo trước, doanh nghiệp có thể đưa ra ROI hợp lí cho chiến dịch sau

Chỉ số CPC bao nhiêu là hợp lí?

Câu hỏi này có nghĩa là doanh nghiệp phải chi bao nhiêu cho mỗi lần nhấp chuột thì hợp lí? Câu trả lời ngắn gọn: “Không có tiêu chuẩn chính xác!”

Giá mỗi nhấp chuột có thể chênh lệch rất lớn, tùy thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau, bao gồm nền tảng quảng cáo bạn đang sử dụng (Google Adwords hoặc Facebook Ads,….), loại quảng cáo sử dụng, đối tượng được nhắm chọn, sản phẩm/ dịch vụ bạn đang quảng cáo và chiến lược đặt giá thầu

Nếu muốn một chỉ số tương đối để đo lường, bạn có thể sử dụng chỉ số ROI mục tiêu của chiến dịch hoặc lợi tức đầu tư. Đối với hầu hết doanh nghiệp, tỉ lệ 5: 1 doanh thu từ quảng cáo được xem là chấp nhận được, điều này có nghĩa là với mỗi đồng chi cho quảng cáo,  bạn sẽ thu về được 5 đồng doanh thu (Ngoài ra bạn cũng có thể áp dụng thêm phương pháp bán chéo để nâng cao tỉ lệ)

Nhưng về cơ bản, trước khi bắt đầu chạy một quảng cáo, bạn phải xác định được số tiền mình có thể chi cho mỗi lần nhấp chuột. Với sản phẩm/ dịch vụ càng đắt tiền, đối thủ cạnh tranh của bạn càng sẵn sàng chi trả lớn, kéo theo giá quảng cáo tăng cao (Về cơ bản,những loại quảng cáo trực tuyến phổ biến nhất hiện nay đều áp dụng đấu thầu dưới nhiều hình thức khác nhau, quảng cáo của anh A sẽ được hiển thị nếu A ra giá cao nhất) lúc đó bạn nên xác định chiến lược thích hợp, hoặc một kênh quảng cáo khác

Ví dụ: Nếu bạn bán một sản phẩm giá 20.000$, website của bạn có thể chuyển đổi 1/200 lần nhấp chuột thành hành động mua hàng (tỉ lệ chuyển đổi khoảng 0.5%), với mục tiêu này, bạn nên sẵn sàng chi 20$ cho mỗi lần nhấp vào quảng cáo, tương đương 4000$ ngân sách quảng cáo cho mức doanh thu 20.000$ là hợp lí (Vì chỉ cần bán được đúng 1 sản phẩm là bạn đạt mục tiêu này rồi)

Nhưng thông thường, các công ty bán sản phẩm rẻ tiền hơn không có khả năng đầu tư cho CPC đắt đỏ đến vậy. Ví dụ: Nếu sản phẩm có giá bán 200$, tỉ lệ chuyển đổi 1/5 lần nhấp chuột thành hành động mua hàng (Tỉ lệ chuyển đổi khoảng 25%), doanh nghiệp nên nhắm mục tiêu CPC là khoảng 0.8% nếu muốn đạt doanh số 200$, tương đương 50 lần nhấp chuột với giá 0.8$/ lần, nghĩa là chỉ cần đầu tư 40$ để đạt được mục tiêu.

 Cpc là gì? Chi phí trên mỗi lượt click chuột 

CPC là chỉ số thể hiện số lượt nhấp vào quảng cáo, hoặc truy cập website khi quảng cáo được hiển thị

Hình thức quảng cáo CPC là gì ?

Một định nghĩa phổ biến khác khi nói đến CPC, đây là một hình thức quảng cáo tính phí áp dụng trên cả Google và Facebook (Trên Facebook được gọi là quảng cáo tương tác), theo đó, phí sẽ được tính nếu một người dùng bất kì nhấp vào mẫu quảng cáo, hoặc website sau khi quảng cáo được hiển thị. Như đã đề cập, phí cho mỗi lượt nhấp chuột cao hay thấp sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố.

CPI là gì ?

Riêng lĩnh vực quảng cáo, CPI (Cost per Impression – Chi phí cho mỗi lượt hiển thị) thường được biết đến là một hình thức quảng cáo hiển thị, theo đó, các doanh nghiệp sẽ trả một số tiền nhất định để quảng cáo được hiển thị. Hình thức quảng cáo này thường được sử dụng nếu một doanh nghiệp ưu tiên mục đích đưa tin tức, thông điệp tiếp cận càng nhiều người càng tốt

Ví dụ: Một doanh nghiệp vừa được công nhận sản phẩm uy tín chất lượng, hoặc được phỏng vấn trên kênh truyền hình quốc gia, họ có thể tận dụng cơ hội này để nâng cao nhận diện thương hiệu bằng cách chạy quảng cáo cho tin tức về sự kiện này, mẫu quảng cáo sẽ được tối ưu để tiếp cận càng nhiều người càng tốt (Tất nhiên vẫn có giới hạn độ tuổi, khu vực, sở thích nếu muốn, nhưng tốt nhất bạn nên để đối tượng đủ rộng). Tin tức tích cực này sẽ giúp cải thiện vị trí thương hiệu trong tâm trí người tiêu dùng, và tất nhiên, khi phân vân giữa hai thương hiệu có giá tương đương, người tiêu dùng sẽ chọn sản phẩm được công nhận chất lượng cao

Quảng cáo hiển thị CPI được sử dụng phổ biến trên cả Google adwords và Facebook Ads, đây là hình thức có giá rẻ nhất so với quảng cáo chuyển đổi (CPA) và quảng cáo tương tác (CPC), giúp tiết kiệm chi phí đáng kể. Ưu điểm lớn nhất của hình thức quảng cáo này được thể hiện trên Facebook, nơi người dùng sẵn sàng nhấp vào một tin tức thú vị, một tuyên bố giật gân nào đó. Đặc biệt, kể cả khi người dùng bấm vào tương tác với mẫu quảng cáo, chi phí vẫn được tính cho một lượt hiển thị, không phát sinh thêm khoản nào

Chỉ số CPI thường được sử dụng để so sánh ROI của quảng cáo trực tuyến với các phương tiện quảng cáo trên các phương tiện truyền thống (báo chí hoặc truyền hình), vì số lượt hiển thị cũng tương tự như lượng người xem, độc giả của các quảng cáo truyền hình và tạp chí.

 Cpi là gì? Hình thức quảng cáo tính phí trên mỗi lượt hiển thị 

CPI là chỉ số thể hiện khoản phí phát sinh trên số lượt quảng cáo được hiển thị

Để tìm hiểu kỹ hơn về các phương thức tính phí quảng cáo từ Google các bạn có thể tham khảo ngay thông tin ở bài viết Cách tính phí quảng cáo Google chính xác nhất

CPM là gì ? Định nghĩa chỉ số CPM

CPM (Cost per mille – Chi phí cho mỗi nghìn lần hiển thị) là một chỉ số mở rộng của CPI, bởi vì một chiến dịch quảng cáo thường được triển khai trên nhiều website với mục tiêu hàng triệu lượt xem mỗi tháng, nên CPM, chỉ số đo lường chi phí mỗi một nghìn lần hiển thị thường được sử dụng phổ biến hơn

Theo đó, CPM không đo chi phí trên mỗi hiển thị, mà đưa ra kết quả trên mỗi một nghìn lần hiển thị.

 Cpm là gì? Chi phí trên mỗi một nghìn lần hiển thị 

CPM thường được sử dụng phổ biến hơn CPI, vì số lượt hiển thị thường được tính trên đơn vị nghìn lần

Ứng dụng thực tế của CPM là gì ?

+ Đây là hình thức thường được sử dụng trong quảng cáo bán hàng trực tiếp

+ Là một phương tiện quan trọng hỗ trợ cho các chiến dịch xây dựng thương hiệu, trong đó mục tiêu chính là nâng cao nhận thức về thương hiệu hoặc sản phẩm của công ty

+ Giúp nhà quảng cáo đánh giá được một cách tổng quát hiệu quả của toàn bộ chiến dịch hoặc một mẫu quảng cáo trong chiến dịch.

CPS là gì ?

CPS (Cost per Sale), tương tự như CPA, đây là chỉ số đo lường chi phí cho mỗi đơn hàng, hành động cuối của người dùng mà bất cứ doanh nghiệp nào cũng mong muốn có được.  CPS trực tiếp đo lường doanh số mang về khi đầu tư một khoản ngân sách cố định trong chiến dịch, qua đó công ty có thể nhìn thấy được hiệu quả chiến lược marketing của mình

Tuy nhiên, trong khi CPA là khái niệm rất phổ biến để đo lường hiệu quả quảng cáo, CPS lại được biết đến nhiều hơn là một phương pháp kiếm tiền trong lĩnh vực affiliate. Theo đó, sau khi đã đăng kí hợp tác với các thương hiệu có hỗ trợ affiliate cá nhân, bạn sẽ nhận được một link phân phối sản phẩm, bạn phải đăng liên kết này ở website cá nhân, facebook hay twitter…Bất cứ đâu để khách hàng tiềm năng nhìn thấy và bấm vào liên kết, bạn chỉ được nhận hoa hồng nếu khách hàng đặt sản phẩm bằng cách bấm vào đường link CỦA BẠN

 cps là gì? Chi phí trên mỗi lượt mua hàng 

CPS thường được biết đến là hình thức kiếm tiền phổ biến trong lĩnh vực affiliat

Hình thức này giúp các công ty sử dụng affiliate có được doanh số thực, đồng thời giảm tối đa lượng khách hàng ảo, riêng đối với các MMO, hoa hồng trên từng sản phẩm cũng cao hơn rất nhiều so với hình thức affiliate thu hút lượt truy cập, đây một trong những hình thức kiếm tiền phổ biến nhất hiện nay.

CPD là gì ?

CPD (Cost per Duration – Chi phí hiển thị cho một khoảng thời gian cụ thể), đây là hình thức quảng cáo mà doanh nghiệp sẽ chi trả để hiển thị thương hiệu trong một khoản thời gian nhất định trên các website phổ biến thu hút nhiều traffic mỗi ngày, ví dụ như VnExpress, Báo Mới…Công ty chủ quản của các website này (hoặc một đơn vị quảng cáo thuộc bên thứ 3) sẽ đưa ra bảng giá nhất định cho từng vị trí hiển thị theo đơn vị từng tháng hoặc năm

Loại quảng cáo này tiêu tốn chi phí rất cao, thường được các thương hiệu, tập đoàn nổi tiếng với ngân sách quảng cáo lớn sử dụng, theo đó doanh nghiệp chỉ chi trả một lần duy nhất để được đặt banner quảng cáo ở những vị trí cố định trên website của đối tác trong vòng một tháng (hoặc vài tháng, hoặc năm), giá trị hợp đồng sẽ dựa trên vị trí hiển thị, kích thước và thời gian, thường chênh lệch từ vài triệu, cho đến vài chục triệu

 Cpd là gì? Chi phí hiển thị quảng cáo cho một khoảng thời gian cụ thể 

CPD là hình thức cho phép bạn chọn vị trí đặt banner quảng cáo trên các website nổi tiếng

Tuy nhiên hình thức quảng cáo này lại không thể đo lường hiệu quả, hầu hết các trang web cho phép đặt banner sẽ không báo cáo dữ liệu cho khách hàng, vì vậy hình thức này không được sử dụng phổ biến trong các chiến dịch cần đo lường dựa trên con số cụ thể

Bài viết liên quan

Phòng Marketing thuê ngoài là gì? Top Agency Marketing uy tín nhất

Hiện nay dịch vụ cho thuê phòng Marketing đang rất hot. Là dịch vụ đang có sức hút lớn bởi các doanh nghiệp mới thành lập, các doanh nghiệp SME hay doanh nghiệp đang sở hữu đội ngũ nhân sự Marketing thiếu chuyên nghiệp, vốn ngân sách thấp cho Marketing. Nếu bạn đang quan tâm đến Marketing thuê ngoài thì hãy tham khảo bài viết này để hiểu rõ về phòng Marketing thuê ngoài là gì? Chúng có lợi ...
Đánh giá bài viết
Đánh giá trung bình
0
0 đánh giá
Chi tiết đánh giá
5 Sao
0
4 Sao
0
3 Sao
0
2 Sao
0
1 Sao
0
Gửi bình luận và đánh giá sản phẩm
Xem bình luận khác
Thu gọn bình luận
Nội dung bài viết

0